Để xuất được khẩu trang sang Mỹ trong giai đoạn Covid-19, doanh nghiệp phải vượt qua loạt hàng rào kỹ thuật khắt khe và cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc.
Một ngày trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, chúng tôi gặp Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Y tế Ecom Med, một trong những doanh nghiệp hiếm hoi đang xuất khẩu khẩu trang y tế và thiết bị y tế qua Mỹ và cạnh tranh rất gay gắt với hàng Trung Quốc ở thị trường này.
“Công ty đang tất bật với việc đưa khẩu trang đạt chất lượng giá bình ổn ra thị trường ở những địa phương có dịch; làm việc với các đối tác về đơn hàng cả trong nước và xuất khẩu, cũng như tiếp tục đưa hàng sang Mỹ…”
Xác định đi đường dài từ ngày đầu
Xác định từ đầu không chỉ sản xuất khẩu trang khi dịch Covid-19 xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới mà đi đường dài trong lĩnh vực y tế, EcomMed đã được xây dựng trở thành nhà sản xuất thiết bị y tế cá nhân dùng một lần từ khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, găng tay, mũ bảo hộ, mặt nạ phòng dịch, nước rửa tay kháng khuẩn… đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất.
Những chuyến hàng khẩu trang y tế đầu tiên mang thương hiệu Ecom Med do chính công ty sản xuất tại Việt Nam đã được đem sang đất Mỹ, cung cấp cho hệ thống 360 bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng của Mỹ, góp phần cùng các y bác sĩ tuyến đầu phòng chống dịch Covid 19 tại quốc gia này. Từ những lô hàng đầu tiên xuất sau khi được cấp phép chính thức vào cuối tháng 10-2020, đến nay đang tăng dần lên.
Sản xuất khẩu trang tại một nhà máy của Ecom Med ở TP HCM
Sản phẩm khẩu trang của Ecom Med đã được cấp giấy Lưu hành tự do của Bộ Y tế, chứng nhận CE cho Tiêu chuẩn châu Âu, FDA của Mỹ. Nhà máy Ecom Med có hệ thống chất lượng đạt chứng chỉ ISO 13485:2016, ứng dụng tiêu chuẩn 5S của Nhật Bản. Toàn bộ nhân viên được khử khuẩn trước khi vào khu vực sản xuất, hệ thống máy tự động hạn chế tiếp xúc trực tiếp lên sản phẩm để xuất khẩu vào thị trường Canada, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Doanh nghiệp hiện có 4 nhà máy chính và các nhà máy liên kết tại TP HCM, Long An, Tiền Giang và 2 nhà máy tại khu vực phía Bắc, một nhà máy khu vực miền Trung và 1 nhà máy tại Bang Virginia – Mỹ đã xong quá trình xây dựng, sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2021.
Tổng công suất trung bình mỗi ngày của toàn bộ hệ thống có thể đạt 5 triệu khẩu trang/ngày. Nếu hoạt động 2 ca hết công suất có thể đạt 10 triệu khẩu trang/ngày. Đồ bảo hộ có thể đạt 100.000 sản phẩm/ngày.
Một trong những yếu tố giúp sản phẩm của công ty này có lợi thế, có sản phẩm đạt chuẩn với chất lượng đồng đều do doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu quan trọng nhất của khẩu trang là lõi kháng khuẩn.
Ecom Med đã đầu tư hơn 600 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất lớp lọc kháng khuẩn Meltblown, cùng với việc đầu tư máy móc, công nghệ cao, hạn chế khâu tiếp xúc của con người trong quá trình làm ra sản phẩm. Việc chủ động được nguyên liệu, đặc biệt là lớp kháng khuẩn giúp công ty kiểm soát được kế hoạch sản xuất, giá cả và không bị ảnh hưởng nhiều trước tình hình biến động nguyên liệu đầu vào của thị trường.
Chặng đường đem hàng qua Mỹ
Kể về chặng đường khó khăn khi đem hàng qua Mỹ, TGĐ chia sẻ, phía Mỹ vừa thông báo sẽ có khoảng 20 công ty xuất khẩu khẩu trang của Trung Quốc sang Mỹ bị đưa vào “danh sách đen” do vi phạm các quy định, tiêu chuẩn về sản phẩm không đạt chất lượng ở thị trường này. Hiện có khoảng 40 doanh nghiệp Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế đang làm ở Mỹ.
Những lô hàng xuất khẩu thành công qua Mỹ sau chặng đường khó khăn của doanh nghiệp
Công suất các nhà máy của Ecom Med có thể đạt 5 triệu khẩu trang/ngày
Hàng Trung Quốc có giá thành tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, nên sản phẩm của doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh khốc liệt trên đất Mỹ. Nhưng đổi lại, Việt Nam có lợi thế lớn nhất là an toàn, uy tín, và trung thực trong câu chuyện phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Dù “cuộc chiến” này không dễ dàng nhưng doanh nghiệp Việt đã có thể ký được hợp đồng xuất khẩu ở một số tiểu bang của Mỹ là thành công rất lớn, khi nhu cầu và triển vọng thị trường trong năm 2021 ở Mỹ vẫn còn nhiều dư địa.
“Chỉ sợ doanh nghiệp không đủ sức làm, không chỉ Mỹ mà cả châu Phi, châu Âu đều là những thị trường rộng lớn, tiềm năng. Muốn xuất qua Mỹ, mỗi loại khẩu trang 3 lớp, 4 lớp, N95… phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí, tiêu chuẩn, chứng chỉ cho từng sản phẩm giống như các loại “visa” cho từng mục đích. Thực tế Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp đã, đang muốn xuất khẩu khẩu trang y tế, thiết bị y tế qua Mỹ nhưng không phải công ty nào cũng đáp ứng được” –
Thời điểm Ecom Med nộp hồ sơ xuất khẩu sang Mỹ, đã có hàng loạt doanh nghiệp Việt khác từng nộp hồ sơ, xin các loại chứng nhận nhưng không thành công, cũng bị đưa vào “danh sách đen” vì vi phạm quy định. Theo lãnh đạo Ecom Med, một trong những hạn chế của các doanh nghiệp Việt là không tìm hiểu kỹ quy định, điều kiện, tiêu chuẩn… nên khi đưa hàng sang kiểm định không đạt; hoặc hàng mẫu thì chất lượng rất tốt, nhưng khi xuất khẩu đồng loạt với số lượng lớn lại không đồng đều, không ổn định.
“Lúc chúng tôi xin nộp hồ sơ, phía cơ quan quản lý của Mỹ không muốn nhận mẫu kiểm tra (test) thêm vì quá nhiều mẫu trước đó của doanh nghiệp Việt không đạt. Phải qua nhiều lần thuyết phục, họ mới đồng ý test thêm sản phẩm của Ecom Med, mỗi mẫu test cũng tốn vài chục ngàn USD với gần cả trăm chi tiết. May mắn, chúng tôi qua vòng sơ bộ, rồi vòng 2-3 đạt trước khi được chính thức cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu. Và sau đó, phía Mỹ đồng ý quay trở lại hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này” – TGĐ chia sẻ
Dù vậy, một trong những nỗi lo của doanh nghiệp vẫn là nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp, cần tiếp tục cải thiện. Trong năm nay, Ecom Med sẽ tiếp tục định hình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế để có thể phát triển bền vững từ năm 2022. Mục tiêu đến năm 2025 lọt vào top 5 những đơn vị đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế hàng đầu tại thị trường Việt Nam, xuất khẩu và trở thành nhà gia công thiết bị bảo hộ y tế cho các thương hiệu lớn trên thế giới.
Tạo môi trường lành mạnh để doanh nghiệp phát triển
Để tiếp tục xuất khẩu cạnh tranh với hàng Trung Quốc, doanh nghiệp cần sự bảo vệ hành lang pháp lý, sự ủng hộ tạo thuận lợi trong thương mại hoá để xuất khẩu; những yếu tố không cần thiết, rườm rà về thủ tục hành chính cắt bớt hỗ trợ cho doanh nghiệp.
“Với những doanh nghiệp làm ăn không bài bản, không chất lượng, đề nghị thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngay trong lĩnh vực khẩu trang, sản phẩm khẩu trang 4 lớp có kháng khuẩn và không kháng khuẩn người tiêu dùng rất khó để phân biệt được, trong khi đây là yếu tố quan trọng phòng tránh dịch bệnh Covid-19″ – TGĐ kiến nghị.
Link bài đăng: https://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-ke-chuyen-lam-khau-trang-ban-sang-my-20210215083354858.htm
Xin cảm ơn Báo Người Lao Động đã hỗ trợ đưa tin lan tỏa chương trình thiết thực và nhân văn này.